Kính thưa các thầy cô giáo
cùng các bạn học sinh!
Hôm nay
thư viện xin giới thiệu đến các bạn một cuốn sách mang một màu sắc thật đặc biệt
so với những cuốn sách ở những tháng trước.
Đối với tôi nó mang lại một mảng màu xám nhưng tôi vô cùng trân quý nó bởi
lẽ màu ấy cũng là 1 phần chân thật của cuộc sống. Tên của cuốn sách là Mười
ba lí do của tác giả Jay Asher.
Mười ba lý do là một quyển tiểu thuyết
nổi tiếng của nhà văn Jay Asher được công nhận là “best- seller” trên toàn nước
Mĩ và được cả thế giới săn đón. Cuốn sách gồm 312 trang được nhà xuất bản Hội
nhà văn ấn hành năm 2018. Cuốn sách khai thác trần trụi nhưng chân thật những
góc khuất lẫn những mặt trái của đời sống học đường, đưa chúng ta đến với thế
giới nội tâm đầy giằng xé của những đứa trẻ vị thành niên trước những vấn đề
tiêu cực như trầm cảm, bạo lực học đường xảy ra xung quanh chúng.
Nôi dung câu chuyện xoay quanh về
Clay Jensen bỗng nhiên nhận được một bưu kiện chứa 13 cuộn băng cát-sét được
đánh dấu từ số 1 đến số 13. Lúc Clay nhận được thì bưu kiện không đề tên người
gửi. Và Clay càng sững sờ hơn khi nghe thử một cuốn băng và phát hiện đó chính
là giọng của Hannah Baker- cô gái cùng trường đã tự tử vào hai tuần trước.
Trong đó, mỗi cuốn băng chính là từng người, những lý do đã làm cho cô đi đến
quyết định chấm dứt cuộc đời mình. Hannah đã giải thích rõ ràng 13 người liên
quan đến việc gây ra cái chết cho cô - những người đã làm cô đi đến kết cục
này. Và chàng trai Clay Jensen cũng rất bất ngờ khi biết mình chính là một
trong những nguyên nhân đó. Từ đó, cuộc sống của Clay và kể cả những người nhận
được cuộn băng bị đảo lộn.
Khi đọc cuốn sách chúng ta
sẽ cảm nhận được sự tiêu cực khủng khiếp ám ảnh lên từng chữ và lên từng nhân
vật trong truyện. Hannah vốn là một cô bé lạc quan, độc lập, thông minh và xinh
đẹp. Chính Clay cũng thầm thích cô nhưng hoàn cảnh xô đẩy Hannah trở thành tâm
điểm của những trò đùa quái dị, độc ác đến từ phía các bạn trong lớp. Cô bé bị
bôi nhọ danh dự, bị làm nhục, bị chơi xấu bởi những trò đùa quái dị, làm thú
vui cho toàn trường. Bởi thế, từ một người luôn tràn đầy sức sống, Hannah trở
nên lầm lì, cô độc và cuối cùng là lựa chọn tự tử.
Nghe từng cuộn băng của
Hannah, Clay mới thấm thía, thấu hiểu và phát hiện ra xung quanh mình, con
người có thể nhẫn tâm, giả tạo, nội tâm đầy những toan tính, mưu mô đến vậy. Có
những người nhìn bề ngoài rất hiền lành, hoặc là tấm gương tốt nhưng đó đều là
mặt nạ che giấu tâm hồn bẩn thỉu, đê hèn và con quỷ ẩn sâu bên trong mình.
Chính họ là những con người đã lợi dụng sự ngây thơ và trong sáng của Hannah để
tồn tại, để lấy cô ra làm trò đùa, bôi nhọ danh dự cô . Chính cái chết của
Hannah đã nuôi dưỡng những tâm hồn xấu xa đó.
Hannah nghĩ cuộc đời mình
như quả cầu tuyết, khi sự việc này chồng chất sự việc kia, rối như tơ vò, không
thể nào thoát ra được. Clay Jensen bị ám ảnh nặng nề bởi bóng ma lẫn quá khứ
của cô bạn Hannah Baker và luôn mang suy nghĩ sai lệch và tiêu cực rằng cậu
chính là một trong số nguyên nhân đã gây ra cái chết cho Hannah, vì chính cậu
mà Hannah phải tự kết liễu đời mình ở tuổi 16 - cái tuổi của tình yêu và ước
mơ.
Các bạn thân mến!
Tuổi vị thành niên là tuổi
đang làm quen với cuộc đời và xã hội. Ta thường tò mò mọi thứ về thế giới xung
quanh và có thể ta lại được va chạm với nhiều điều ngoài phạm vi bao bọc của
gia đình, cả những điều tích tực lẫn tiêu cực. Những buổi tiệc tùng đến nửa
đêm, những lời mời hẹn hò, những tình bạn giả tạo đẩy ta vào sự hoang mang và
thất vọng vì cuộc sống xã hội sao lại quá khác biệt với căn nhà ấm áp cùng gia
đình đầy yêu thương của mình. Trong số đó, có những đứa trẻ vượt qua được. Có
những đứa không và thường mang những suy nghĩ tiêu cực nặng nề, bị trầm cảm và
cuối cùng lại đi đến quyết định tự kết liễu đời mình như Hannah Baker trong bộ
tiểu thuyết. Những tâm lý của Hannah vốn dĩ hầu hết những đứa trẻ trong quá
trình trưởng thành đều gặp phải. Đó chính là sự lo lắng, tuyệt vọng, cô độc chính
là những cảm xúc, sắc thái mà hầu hết những đứa trẻ đều trải qua, kể cả Hannah.
Hannah và kể cả họ đều chỉ nhận được sự thờ ơ, lạnh lùng, vô tâm từ bạn bè,
thầy cô phớt lờ, không quan tâm và thậm chí cả gia đình cũng thế. Hannah hoàn
toàn có thể lựa chọn con đường khác bớt cực đoan hơn nhưng ở thời điểm đấy, cô
bé bị quay lưng bởi bạn bè, thầy cô và gia đình - không một nơi yên bình để cô
có thể nương tựa, không một ai chia sẻ, thấu hiểu cho những cảm xúc lẫn cảm
giác, cả những trạng thái tiêu cực trong nội tâm và Hannah phải trải qua, thế
nên cô dễ dàng lựa chọn sự “giải thoát”.
Xuyên suốt quyển tiểu
thuyết đã cho ta thấy được những mặt tối, những góc khuất, những nguyên nhân
dẫn đến sự trầm cảm và tự tử độ ở tuổi vị thành niên. Mỗi chúng ta có thể thấy
chính bản thân mình trong đấy, có thể nằm ở vị trí bắt nạt hoặc bị bắt nạt. Từ
đó chỉ ra sự vô tâm và ích kỉ đến từ phía mọi người xung quanh, gia đình, bạn
bè, thầy cô và xã hội.
Đọc xong tác phẩm mỗi chúng ta đều ý thức được rằng bản
thân ta có sự tác động như thế nào đến những người khác. Đồng thời nhận thức rằng
sự chủ động của ta cũng vô cùng quan trọng, đôi lúc nhẹ tênh khi trên vai không
mang vác những trách nhiệm, đôi lúc lại hối hận giá mà ta chủ động hơn một chút
để không bỏ lỡ những cảm xúc bỏ lỡ những cơ hội để giữ họ lại ở bên ta, ta không biết rằng lúc ấy
họ trải qua chuyện gì liệu hành động nhỏ của ta có phải là một ngòi kích nổ cho
sự tan vỡ hay không, chúng ta là ai trong cuộc đời nhau không quan trọng chỉ
mong rằng khi gặp nhau, khi bên nhau hãy luôn nhẹ nhàng thấu cảm. Đơn giản nhất
là hãy tôn trọng suy nghĩ thật sâu những chuyện mình sắp thực hiện, hãy chắc chắn rằng đó không là
một lí do gây đau lòng cho 1 trái tim nào. Cuộc đời này không dài xin hãy dành
chọn những gì ngọt ngào nhất đễ dành cho nhau mà vốn dĩ những ngọt ngào lại đến
từ sự chân thành, trân quý thương yêu mà thôi. Điều đó đồng nghĩa với việc ta lựa
chọn ôm ấp chính mình người thân và những người ta tiếp xúc trong đời để không
xuất hiện thêm bất cứ 1 Hannah Baker hay 1 Clay Jensen nào nữa.
Cuốn
sách hiện có tại Thư viện. Thầy cô và các em hãy tìm đọc cuốn sách ý nghĩa này
nhé!