Hệ thống thư viện Sách điện tử

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại

  • Giới thiệu sách tháng 10 năm học 2022 - 2023. Cuốn sách: Cuốn sách: Khuyến học Tác giả: Fukuzawa Yukichi

    Ngày tạo: 13:33, 05/09/2023
    45Chia sẻ

    Xin chào các thầy cô và các bạn thân mến!

    Ngày hôm nay của các bạn như thế nào? Hi vọng nụ cười luôn đồng hành với các bạn mỗi ngày để chúng ta có thật nhiều năng lượng để sống vui và học tập thật giỏi. Cuốn sách mình muốn giới thiệu tới các bạn hôm nay mang tựa đề Khuyến học của học giả Nhật Bản Fukuzawa Yukichi. Cuốn sách được xuất bản năm 2015 của nhà xuất bản Dân Trí trong chiến dịch những cuốn sách đổi đời bên những tách cà phê đổi đời, nhằm phát động chương trình xã hội “Hành trình từ Trái tim - Hành trình Lập chí vĩ đại - Khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu thanh niên Việt” để giúp các bạn thanh niên Việt Nam có khát vọng khám phá những bí quyết thành công, dám dấn thân khởi nghiệp làm giàu cho chính mình và đất nước. Lời để tựa ấy là minh chứng rõ ràng cho tầm ảnh hưởng của cuốn sách này đối với tầng lớp sinh viên, thanh niên khơi dậy lòng ham học và khởi nghiệp từ nơi họ.

    Về tác giả Fukuzawa Yukichi,  ông sinh năm 1835 trong một gia đình võ sĩ cấp thấp ở Kyushu Nhật Bản, ngay từ thuở nhỏ ông đã nhận thấy sự lạc hậu bất công trong xã hội, ông cũng nhanh chóng nhận ra tư tưởng Nho giáo và hệ thống nho học đã không còn đúng đắn, đã lỗi thời và mang lại nhiều phiền toái cho dân chúng. Ông đã nhanh chóng học tiếng Anh, đi khắp nơi theo sự phân công của chính phủ, lĩnh hội văn minh phương tây để truyền bá cho nhân dân Nhật Bản. Khuyến học được ra đời vào những năm 1872 đến năm 1876 bao gồm những bài viết khơi gợi ý chí học tập thay đổi vận mệnh. Đây là cuốn sách có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến người dân Nhật Bản, ngay từ lần đầu tiên đã được in từ 3 đến 4 triệu bản in.

     Cuốn sách Khuyến học được chia làm 17 phần:

    Phần 1: Trời không tạo ra người đứng trên người.

    Phần 2: Người chịu thiệt thòi nhất là những kẻ vô học

    Phần 3: Hun đúc nuôi dưỡng chí khí độc lập ra sao

    Phần 4: Trách nhiệm của “người đứng trên người”

    Phần 5: Lòng quả cảm của người sinh ra từ đâu

    Phần 6: Luật pháp quý giá như thế nào

    Phần 7: Trách nhiệm của quốc dân

    Phần 8: Đừng đánh giá người khác bằng suy xét chủ quan của mình

    Phần 9: Mục đích của học vấn là gì

    Phần 10: Hãy sống và hy vọng ở tương lai

    Phần 11: Đẳng cấp địa vị đẻ ra các chí sĩ rởm

    Phần 12: Hãy học cách diễn thuyết có hiệu quả

    Phần 13: Tệ hại nhất là tham lam

    Phần 14: Phải luôn xem lại tinh thần của bản than

    Phần 15: Tiếp thu có chọn lọc văn minh phương Tây

    Phần 16: Chạy theo độc lập vật chất sẽ đánh mất độc lập tinh thần

    Phần 17: Bàn về sự tín nhiệm.

    Ngay trang đầu tiên, tôi đã rất ấn tượng với dòng chữ: “Trời không tạo ra người đứng trên người”. Tiếp theo đó là  những đoạn: “mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”, “Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt”, “Sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi”, “Ở con người vốn dĩ không có chênh lệch sang hèn, giàu nghèo. Vì thế, có thể nói rằng: Người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ…”!

    Trong cuốn sách tác giả lí giải vì sao người dân Nhật Bản phải học tập và học những gì? học đúng như thế nào để phát triển bản thân và xây dựng bảo vệ đất nước, tác giả cũng nêu cao tinh thần tự lực tự cường của mỗi cá nhân, khích lệ mọi người đoàn kết loại bỏ những thói xấu và học hỏi văn minh nhân loại để đưa nước Nhật Tiến bộ cho tới ngày nay.

    Phải nói rằng tôi đã bị lôi cuốn thật sự bởi những tư tưởng lớn của tác giả được thể hiện trong cuốn sách. Với cuốn sách “Khuyến học”, tôi tìm thấy được những ý tưởng mới lạ, những lời khuyên hữu ích cho mình. Điều thú vị là những tư tưởng mang tính triết lý, nền tảng sâu sắc đó lại được trình bày với văn phong hết sức bình dị, dễ hiểu, gần gũi và sắp đặt theo trình tự rất logich, cụ thể, mạch lạc nên người đọc ở mọi trình độ có thể dễ dàng tiếp thu mà không cảm thấy nhàm chán. Từ việc đề cao giáo dục, khẳng định giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, tác giả đề cập phải "học cái gì?". Đó là: “học những môn thực dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Phải thuộc lòng bảng bốn mươi chữ cái Kana; học cách soạn thảo thư từ, ghi chép trương mục kế toán; sử dụng thành thạo bàn tính; nhớ cách cân, đong, đo, đếm; Tiếp đến là phải học các môn như Địa lý để biết được phong thổ Nhật Bản và các nước trên địa cầu; Vật lý là môn học giúp ta phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua đó tìm ra tác dụng của nó; học Sử vì đây là môn học giúp ta hiểu biết cặn kẽ mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó chúng ta có thể nghiên cứu quá khứ, hiện tại của quốc gia; học Kinh tế là môn giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của cả quốc gia; học môn Đạo đức, môn này giúp ta hiểu về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người".

              Tiếp đó, tác giả chỉ rõ phải "học như thế nào?"  Đó là: phải nắm được nội dung chủ yếu của môn học, trên cơ sở đó phải hiểu được bản chất cơ bản của mọi sự vật". Từ việc trả lời hai câu hỏi trên, Fukuzawa nhấn mạnh rằng, chỉ có học như thế mới hiệu quả và có ích cho cuộc sống.

              Những quan điểm, tư tưởng lớn của Fukuzawa thể hiện trong tác phẩm “Khuyến học” được trình bày thật cụ thể, ngắn gọn, cô đọng, hàm súc khiến người đọc càng nghiền ngẫm, càng thấm thía như:

    - Tự do không phải là chỉ biết có tôi, cho riêng tôi.

    - Trách nhiệm của "người đứng trên người".

    - Người chịu thiệt thòi nhất là những kẻ vô học.
    - Đừng đánh giá người khác bằng suy xét chủ quan của mình.

    - Tệ hại nhất là tham lam.

    - Đang hạnh phúc thì chớ quên sẽ có lúc phải đối mặt với tủi nhục.

    - Có những người còn trẻ mà lại muốn lựa chọn những công việc an nhàn.
    - Phải luôn xem xét lại tinh thần của bản thân…

              Đảng và nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Việc nhấn mạnh tính cách độc lập, sáng tạo của con người trên cơ sở giáo dục, tinh thần khoa học tiên tiến đã thể hiện trong tác phẩm “Khuyến học” sẽ là một gợi ý hữu ích cho công tác giáo dục của chúng ta. Thiết nghĩ, đó là một nội dung quan trọng cần xem xét để hướng đến nền giáo dục nhằm xây dựng những thế hệ người Việt Nam đầy tự tin, năng động, sáng tạo, biết sử dụng lý trí của chính mình một cách độc lập để suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn nhất, hiệu quả nhất nhằm đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của đất nước. Chúng ta đọc  “Khuyến học” của Fukuzawa  để biết người dân Nhật Bản đã xây dựng đất nước như thế nào để biến một quốc gia lạc hậu thành cường quốc chỉ sau ba mươi năm công cuộc Duy Tân - Minh Trị. Đọc để biết vì sao sự học nên là một quá trình của cả đời người. Đọc để biết những hạn chế của mình và phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như  Bác Hồ đã viết trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Cuốn sách hiện có tại thư viện, mong quý thầy cô và các bạn ghé đọc./.

     

    DownloadBai-gioi-thieu-sach-thang-10-nam-hoc-2022---2023-0bcea1d0-529f-49d2-aa32-824ee849e7d1.docx


  • Về trang trước

  • Tin tức cùng chuyên mục

Trường Trường THPT Nguyễn Văn Thoại

Địa chỉ: Đang cập nhật dữ liệu... Website: thptnguyenvanthoai-dn.thuvien.edu.vn  QR Code
Đang nghe bạn nói...