Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng là một
ca đặc biệt trong Đế chế Pháp. Việt Nam tiền thuộc địa đã có sẵn một hệ thống
đào tạo quan bằng, khoa cử lấy khuôn mẫu từ chế độ khoa bằng Khổng giáo Trung
Hoa. Cuối thế kỉ 19, chế độ khoa bằng này mất dần vị trí độc tôn vì khả năng
kém thích nghi trước thời cuộc. Chỉ còn mỗi tinh thần hiếu học như một thứ bản
sắc văn hóa Việt là vẫn được coi trọng, vì học hành là con đường tiến thân để
thành đạt. Người Pháp đã biết cách đặt thuộc tính văn hóa Việt này vào hệ thống
giáo dục thuộc địa tại Đông Dương, vốn được coi là một hệ thống đầy đủ và kiện
toàn nhất trong tất cả các xứ thuộc địa của Pháp.
Ở những
thập niên đầu của thế kỉ 20, tầng lớp tinh hoa Đông Dương kiểu mới được đào tạo
trong nhà trường Pháp, tha thiết với quá trình hiện đại hóa, đã bắt đầu tìm
cách tận dụng những lợi ích của "sứ mạng khai hóa". Họ đòi hỏi cho
con cái họ được học lên bậc trung và đại học, thậm chí trong những ngôi trường
trung học danh giá vốn chỉ dành cho học sinh Pháp. Trường Pháp có tiếp nhận con
cái họ nhưng học phí đắt đỏ và đầu ra thì hiếm hoi và bạc bẽo. Hễ khi tình hình
chính trị căng thẳng, chính quyền lập tức thít chặt đầu vào ở các trường bên
Pháp, chẳng hạn như hạn chế đưa sinh viên Đông Dương sang Pháp trong những năm
1930. Những ai du học ở Pháp trở về đều chung một suy nghĩ rằng, những giá trị
đang thịnh hành ở chính quốc đều bị mất giá trên chính xứ sở của họ. Vì không
còn đủ kiên nhẫn về một cuộc cải tổ thuộc địa giản đơn nên trong cuộc đấu
tranh, họ huy động và vận dụng những kĩ năng và kiến thức tiếp thu được từ nhà
trường Pháp. Tuy nhiên, cùng lúc đó, giáo dục Pháp vẫn "chinh phục"
được giới tinh hoa người Việt, Lào và Campuchia. Ngay cả khi ảnh hưởng chính trị
và quân sự của Pháp suy yếu từ những năm 1940 trở đi thì tầng lớp này vẫn tiếp
tục gửi con em họ đến học ở những trường trung học Pháp.