“Hạnh phúc mong manh” là tập sách chọn lọc
những truyện Nguyễn Quang Lập viết trong thời kỳ đầu, sau khi ông giải ngũ và
trở về làm việc ở Sở Văn hóa – Thông tin Bình Trị Thiên thời bấy giờ. Lúc đó,
ông ngày ngày nấu cơm rửa chén giặt đồ hầu hạ em trai là Nguyễn Quang Vinh viết
tiểu thuyết (như sau này ông kể lại trong tạp văn Tôi đã viết truyện ngắn như
thế nào).
Trong Hạnh phúc mong manh, độc giả
được gặp lại những truyện ngắn đã làm nên tên tuổi nam tác giả trên văn đàn Việt
Nam. Một trong những truyện đó là Tiếng lục lạc. Nỗi ám ảnh về di chứng
chiến tranh, nỗi xót thương về số phận con người trong Tiếng lục lạc đã
theo những trang văn Nguyễn Quang Lập tới hôm nay, mỗi ngày thêm quyết liệt.
Không chỉ là điểm khởi đầu, cuốn sách nhỏ
này còn mang ý nghĩa là nơi lưu giữ những cảm xúc và hồi ức thời tuổi trẻ của
ông. Trong những ngày xưa cũ ấy, ông đã nhìn cuộc sống như một bức tranh màu nước.
Dẫu có đổ vỡ, xót thương thì vẫn hàm chứa một vẻ đẹp mong manh đến nao lòng.
Trung tâm “những bức tranh màu nước” của
ông là Kan Liêng trong Cầu cho Nàng Liêng trẻ mãi, là Thương trong Chuyện
sót lại ở thung lũng Chớp Ri, là Liên và Mai trong Hạnh phúc mong manh, là
Cu-muôn và Ba-đoong trong Cây sến lửa… Cách ông miêu tả vẻ đẹp và nỗi u sầu
của họ như thể đây là hình ảnh được tạo ra từ những đám mây và ráng chiều, nhìn
từ một khe núi sâu, có chút gì đó xa xôi, phi hiện thực, nhưng lại mang tới cho
ta một cảm giác rất thực.
Bước ra từ bầu không khí quyện khói súng
những tháng ngày chiến tranh và sau chiến tranh, nhân vật của Nguyễn Quang Lập
dường như chưa hề bị đời sống làm cho méo mó, dị dạng. Họ vẫn rất đẹp, đẹp từ
vóc dáng, tâm hồn.
Nàng Kan Liêng trong Cầu cho Nàng
Liêng trẻ mãi có lẽ là hình ảnh hoàn mỹ nhất về cái đẹp trong tập truyện
ngắn này. Nàng như một bông hoa rừng tươi mát, trẻ trung, “đẹp từ thời nàng còn
nói ngọng đẹp mãi lên đến thời nàng được cưa sáu cái răng cửa”. Đẹp cả khi nàng
thấm thía nỗi bơ vơ, lẻ loi sau lần ném hòn sỏi từ chối Kon Kim – người nàng thầm
thương từ lâu, vì chàng “khèn bè không biết thổi, đàn Abel không biết chơi, hát
cha-chấp câu quên nhiều hơn câu nhớ”. Giọng văn trong truyện này cũng thật đặc
biệt, như tiếng khèn bè, như tiếng suối chảy, như tâm tình giản đơn bộc trực của
những người vùng cao. “Ồ, về núi rừng của miềng mà không biết chuyện Kan Liêng
là không biết về rồi. Cho miềng điếu thuốc, miềng kể cho mà nghe”. “Kon Kim lại
trở về với dân làng Tupal. Làng Tupal tự hào lắm, dọc song Đăk-rông không ai
tài giỏi như Kon Kim. Kon Kim buồn nhưng không chết, làng Tupal vui hung”.
“Nhưng ai cũng biết, Kan Liêng đẹp nhất làng Tupal vẫn lẻ loi, khi hội đã tàn,
lửa đã tắt, Kan Liêng trở về không làm sao chợp mắt. Kon Kim cũng rứa…”
Cô giáo Thương trong Chuyện sót lại
ở thung lũng Chớp Ri lại mang vẻ đẹp của một tâm hồn đa cảm và yếu đuối.
Người yêu hy sinh ở chiến trường xa, nỗi đau khổ và cô đơn khiến cô ngã vào
vòng tay của một thầy giáo trẻ cùng trường. Nhưng điều ấy lại khiến cho Chơn –
đứa con nuôi cô vô cùng yêu quý, phẫn nộ bỏ đi khiến cô bỏ dạy một năm để đi
tìm, khóc gọi tên con từ buổi chiều này sang buổi chiều khác…
Trong Hạnh phúc mong manh, cuộc
ra đi của Liên và đứa con ở cuối truyện là kết quả của một cuộc giằng xé nội
tâm đầy phức tạp. Liên bị thất lạc anh trong chiến tranh khi đã có với anh một
đứa con, đã cùng con trải qua năm tháng nghèo nàn và đau khổ, khi tìm được anh
thì anh đã có vợ rồi. Dẫu thế, anh vẫn thương yêu mẹ con Liên, và anh lại đang
muộn mằn đường con cái. Dường như chỉ cần vươn tay tới một chút nữa, Liên sẽ chạm
tới hạnh phúc. Nhưng cô đã chọn quyết định buông tay. Có lẽ vì hạnh phúc như một
chiếc chăn, người này ấm thì người kia lạnh. Cô thà bước tiếp trong cơn giá lạnh
ngoài kia chứ không thể giành lấy chút ấm áp của người đàn bà cũng đầy nỗi lòng
trong căn nhà ấy…
Hạnh phúc mong manh, ngay từ nhan đề tập
truyện này đã mang theo nhân sinh quan của Nguyễn Quang Lập những ngày đầu theo
nghiệp viết lách. Ông biết rằng hạnh phúc là thứ khó nắm bắt, nhưng ông nhìn thấy
những sinh thể mang theo loại cảm giác hạnh phúc ấy ở khắp nơi. Trong nụ cười của
nàng Kan Liêng, trong ý chí của Chơn, trong niềm thanh thản của Liên…
Có lẽ vì khi ấy ông còn trẻ, và nhìn cuộc
đời bằng đôi mắt lãng mạn. Thường người ta sẽ đánh rơi đôi mắt ấy ở một giai đoạn
nào đó trong cuộc đời và không biết cách nào để tìm lại. Nguyễn Quang Lập, may
mắn hơn, ông đánh rơi nó vào những trang viết của ông.